(Bài
trình bày tại khóa "Bồi dưỡng trụ trì 2017[Hệ phái Khất sĩ]" được tổ chức tại
Pháp viện Minh Đăng Quang ngày 13-19.5.2017)
Facebook- mạng xã hội thu hút đông đảo người
sử dụng
Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu
hóa, một thế giới ngày càng “phẳng hơn” và mọi sự trao đổi thông tin trở nên
nhanh hơn với sự hỗ trợ của kỹ thuật số, khoa học và công nghệ thông tin. Trong
số những công cụ phục vụ, đáp ứng nhu cầu vô tận của nhân loại, các mạng xã hội
là những công cụ vô cùng tiện ích. Facebook, một mạng xã hội tuy ra đời muộn hơn
một số ứng dụng khác như: Myspace, Yahoo!Blog,… nhưng nó đã lấn át các đối thủ,
nhanh chóng trở thành một mạng xã hội khổng lồ, chiếm vị trí số một thế giới,
thu hút hàng tỷ người tham gia (cán mốc 1 tỷ người vào năm
2012). Nếu Facebook được chấp nhận sử
dụng tại Trung Quốc, hẳn số người sử dụng Facebook sẽ không chỉ dừng lại ở con
số này!
Ngành phát thanh mất 38 năm để có 50 triệu
người nghe. Để đạt đến con số này, truyền hình mất 13 năm; internet mất 4 năm;
còn Facebook thì chưa đầy 9 tháng đã có 100 triệu người dùng. Các ứng dụng trên
iPhone dành cho Facebook được tải về đạt 1 tỷ trong vòng 9 tháng. Mỗi ngày có
700,000 người mới tham gia vào Facebook (Theo DBA Worldwide). Vậy đủ biết sức
mạnh của Facebook đến
đâu!
Gần đây, mạng xã hội Facebook đang tăng đột
biến về số người dùng tại Việt Nam. Facebook được sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi,
tạo ra sức cuốn hút ghê gớm và tốc độ lan truyền mạnh mẽ, đặc biệt là trong giới
trẻ. Facebook đưa ra con số thống kê
cuối năm 2015 rằng, hiện tại Việt Nam có 35 triệu người dùng Facebook hoạt động
hàng tháng, đồng nghĩa với việc hơn 1/3 dân số tại Việt Nam (92 triệu người) sở
hữu tài khoản Facebook. Trong số đó, 21 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam
truy cập hàng ngày vào mạng xã hội này thông qua thiết bị di động. Việt Nam là
quốc gia có lượng người dùng lớn thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia (82
triệu người) và Thái Lan (37 triệu
người).
Đây là con số của hơn 1 năm trước, đến hiện
tại, chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng chắc hẳn số người sử dụng
Facebook đã tăng lên nhiều. Một điều cần lưu ý là Facebook không thống kê
những người dưới 18 tuổi vì đối tượng này sử dụng Facebook với mục đích không
phải để mua sản phẩm/dịch vụ (tức là ít có hành vi mua sắm trên Facebook hơn các
đối tượng còn lại), mà Facebook thống kê số người dùng chỉ áp dụng đối tượng từ
18 đến 65 tuổi để phục vụ mục đích thương mại mà thôi. Điều này có nghĩa là, số
người dùng Facebook trên thực tế còn cao hơn rất nhiều vì nhóm người dưới 18
tuổi và trên 65 tuổi đang sử dụng Facebook không phải là
ít!
Tại sao Facebook có sức cuốn hút đến như vậy?
Câu trả lời nằm ở chỗ công năng tuyệt vời mà Facebook đem lại cho mọi
người.
Facebook:
nơi gặp gỡ, chia sẻ và thể hiện
mình
Sự kết nối của Facebook ban đầu từ nhóm những
người bạn, hoặc cùng trường lớp, cơ quan, sở thích,…và từ đó có thể mở rộng
không cùng tận. Không có biên giới nào dành cho Facebook! Mọi người cũng có
thể kết bạn, gởi tin nhắncho nhau cũng như người dùng có thể
cập nhật trang hồ sơ cá nhân của mình để thông báo cho bạn bè ở bất cứ nơi nào
có mạng internet. Chính vì vậy, Facebook là một công cụ hữu hiệu trong việc
truyền tải những thông điệp, thông tin đến hàng triệu người trên khắp hành tinh
bằng con đường nhanh nhất. Facebook còn cung cấp cho người
dùng những ứng dụng giải trí tuyệt vời (đăng
tải video trực tuyến, chơi game, nghe nhạc, xem phim…). Một đặc tính nổi bật nữa
của Facebook chính là mọi người có thể cập nhật trạng thái và
bộc lộ suy nghĩcủa mình để thỏa mãn nhu cầu “chia sẻ”. Nó gần giống như một
cuốn nhật ký sinh động ghi lại những cảm xúc, ấn tượng, tình cảm, sẻ chia trong
cuộc đời đời thường. Chính những đặc điểm trên, Facebook trở thành mạng xã hội
năng động liên tục mang đến cho người dùng những trải nghiệm vô cùng thú
vị.
Chỉ cần có một tài khoản trong Facebook, người
dùng có thể đưa lên đó những nội dung, hình ảnh, video
clip,… chia sẻ cùng mọi người, tham gia bình luận, an ủi,
động viên, “gỡ rối”, thể hiện thái độ của mình với những gì được chia sẻ qua
việc bấm nút “like” động viên tác giả. Qua Facebook, người dùng có thể hiểu được
cuộc sống, tâm tư, tình cảm của người thân nơi xa xôi. Nó có thể giúp người ta
tìm thấy nhau trong đời, tìm lại nhau sau bao thất lạc, xa
cách. Nó giúp tìm kiếm việc làm, kinh doanh, đó là một kênh
quảng cáo toàn cầu hiệu quả. Nó còn giúp người ta cách thức
làm ăn, giúp các hội, đoàn, các đội tình nguyện hoạt động từ
thiện, nhân đạo, vì môi trường. Nó có thể cứu những phận đời, giúp đỡ, an ủi
người bất hạnh. Facebook còn là là nơi trao đổi bài vở, kiến
thức,… Và còn vô vàn tiện ích khác nữa nảy sinh và đáp ứng những nhu cầu đa
dạng của con người trên khắp hành
tinh.
Facebook là nơi lưu trữ và giao lưu của rất
nhiều nguồn tin phong phú và đa dạng. Mỗi ngày, biết bao thông tin mới mẻ từ
Facebook. Thực tế cho thấy, nhiều tin tức trên Facebook được cập nhật rất nhanh
chóng, nên tin ở Facebook mới hơn tất cả những trang tin các báo điện tử chính
thống. Có nhiều thông tin rất chính xác và hữu ích chỉ có trên Facebook mà không
thể tìm thấy ở những nguồn khác. Rất nhiều những sự kiện quan trọng trong xã hội
đều được phản ánh trung thực và nhanh chóng trên facebook, hơn cả những tờ báo
mạng uy tín lâu nay. Trên Facebook, nhiều tiêu cực xã hội kịp thời được phản
ánh một cách đầy thuyết phục khi có cả hình ảnh, video clip làm chứng cứ. Nhờ
đó, dư luận xã hội lên tiếng và sự phản ứng nhanh chóng của số đông có tác dụng
vô cùng to lớn, góp tiếng nói cộng đồng vào việc ổn định và phát triển xã
hội.
Từ khi xuất hiện máy tính bảng như ipad và
các loại điện thoại thông minh hỗ trợ, người ta vào Facebook ở mọi nơi, mọi lúc.
Chính vì vậy mà Facebook có sức hút mãnh liệt với mọi người, nhất là giới trẻ,
khi mà nhu cầu giao tiếp, giao lưu, chia sẻ, khám phá, hiểu biết, trải nghiệm,…
ở họ vô cùng lớn. Nhu cầu nhiều, sử dụng nhiều nên rất nhiều người đã không
cưỡng nổi sự lôi cuốn như mê hoặc của mạng xã hội này và hệ quả tất yếu không
thể tránh khỏi: hội chứng “nghiện”
Facebook!
Facebook:
dễ nghiện khó bỏ, tác hại vô
cùng
Một cách bản năng, một trong những nhu cầu
quan trọng của con người là kết nối và giao tiếp. Ai cũng
muốn được bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình về một vấn đề, và muốn người khác
hiểu mình và hơn thế nữa, là muốn ý kiến của mình tạo ảnh hưởng, tác động đến
người khác càng nhiều càng tốt. Với những nhu cầu này, Facebook có thể đáp ứng
tất cả. Do đó, Facebook có một ma lực đối với tất cả mọi người, nhất là giới
trẻ. Thế nhưng, người đã “ghiền” Facebook thì vô tư chia sẻ những thông tin cuộc
sống như một phần việc hằng ngày. Chuyện gì phát sinh trong một ngày sinh hoạt
họ đều mang lên Facebook, mỗi ngày đăng lên gần chục trạng thái khác nhau, bình
luận, trả lời, nhấn nút “like” và lấy đó làm niềm vui trong cuộc sống. Họ có thể
thức thâu đêm để cập nhật trạng thái (status), bình luận (comment), đọc tin,
“like” ảnh hay chia sẻ các đường dẫn, trang mạng đến một thông tin nào đó, thử
các ứng dụng, gia nhập các hội nhóm. Một số “nghiện” đến mức họ dùng mạng chỉ vì
một mục đích duy nhất là để vào…
Facebook!!!
Một khi lạm dụng Facebook quá đà, người dùng
ắt phải dành rất nhiều thời gian cho nó! Nghiện cái gì cũng
không tốt và khó bỏ, Facebook không là ngoại lệ. Những người nghiện dành cho
Facebook một vị thế ưu tiên hơn mọi thứ khác, thậm chí ăn, ngủ cùng Facebook.
Mỗi khi viết câu gì đó (status), hay đưa hình ảnh, video clip lên là họ ngồi đợi
mọi người bấm nút “like”, bình luận (comment) thế nào, rồi bình luận trả lời
(reply), “like” lại. Họ có thể dành cả nửa thời gian mỗi ngày để tán gẫu, khoác
lác, tung hứng, trò chuyện, cứ vài phút lại lướt Facebook một cách vô thức. Họ
mua điện thoại, laptop cũng chỉ vì muốn được lên Facebook ở khắp mọi nơi. Có
những con nghiện, đến mức ăn gì, uống gì, nghĩ gì, làm gì cũng đưa lên đó; thậm
chí, mua cái áo mới cũng chụp hình lên để mọi người cùng bàn tán khen chê; ăn
uống ngủ nghỉ, vui chơi giải trí…, làm gì họ cũng có thể cập nhật trạng thái
(status) trên Facebook. Hầu hết những người dùng Facebook, cảm thấy vô cùng hạnh
phúc khi những gì mình chia sẻ trên đó được nhiều người “like”. Thế là nhiều
người dùng đủ cách để “câu like”, nghĩa là nói một cách giật gân, gây tò mò, chú
ý và bấm nút “like” thể hiện sự đồng tình, khuyến khích, khen ngợi, hô hào để
được nhiều người “đáp lễ” mà “like” lại cho
mình!
Có nhiều người sau khi dùng Facebook một thời
gian thì kịp nhận ra những nguy hiểm do nghiện Facebook và trăn trở tìm cách
“cai” bằng nhiều biện pháp khác nhau: xóa phần mềm Facebook trong điện thoại;
cài phần mềm khác thay thế hoặc có bạn còn dán khẩu hiệu “một ngày lên Facebook
chỉ một lần” khắp phòng để tự kỷ ám thị mình. Đã có người cai được, nhưng phần
lớn thì đâu vẫn vào đó. Những con nghiện Facebook cũng thừa nhận là khó cai, cai
mãi không thành, đến mức có cả “Hội những người cai Facebook nhưng không thành”
lên tới cả gần 1600 thành viên! Facebook quả thực là thói quen dễ nghiện nhưng
khó bỏ!
Chính vì sức hút mãnh liệt của Facebook mà một
khi lạm dụng và trở thành “con nghiện” thì mạng xã hội này trở thành con dao hai
lưỡi gây tác hại không nhỏ. Đơn cử vài tác
hại:
Ảnh hưởng sức khỏe và công
việc: Có nhiều bạn mải mê Facebook có thể dành
nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày để dán mắt lên màn hình máy tính hoặc điện thoại
chỉ để sử dụng các ứng dụng của Facebook. Nhiều người đã tiêu phí thời gian, sức
khoẻ của mình vào Facebook để rồi xao lãng học hành và công việc. Đó là chưa kể
đến việc đau vai gáy, giảm thị lực khi chúng ta dành quá nhiều thời gian để
“sống” cùng
Facebook.
Facebook – nơi dễ dàng bị nhiễu loạn thông
tin: Facebook tái hiện cuộc sống xã hội trên
không gian ảo nên cuộc sống “ngoài kia” thế nào, Facebook cũng như thế ấy. Đây
là nơi hội tụ của vô số thông tin đủ loại, có tính chất khác nhau, được viết bởi
các quan điểm, góc nhìn, tầm nhận thức và độ thẩm thấu khác nhau, nên ở đó không
chỉ có kim cương ngọc quý mà là kho tạp khổng lồ chứa không ít rác thông tin,
rác văn hóa độc hại. Những thông tin trên Facebook thường thể hiện quan điểm cá
nhân, không có ai kiểm chứng cả nên đúng-sai, tốt-xấu, hay-dở… mỗi người đọc
phải tự thẩm định và sàng lọc. Chính vì vậy, ai biết sử dụng Facebook một cách
khôn ngoan thì nhận được nhiều lợi ích từ mạng xã hội này, còn không sẽ dễ dàng
bị lạc dẫn bởi các luồng tin không chính xác, có ảnh hưởng tiêu cực đến nhận
thức, thái độ sống của người dùng. Bản chất hai mặt của vấn đề là điều hiển
nhiên và Facebook là con dao hai lưỡi mà không phải ai cũng thấy mặt trái của
việc lạm dụng
nó.
Facebook:
công cụ hỗ trợ cho việc hoằng
pháp
Những
công năng rất tuyệt vời đối với người cư sĩ tại gia như tạo liên kết bạn bè,
chia sẻ thông tin cá nhân, bày tỏ cảm xúc, trạng thái, cùng các ứng dụng của
kênh giải trí năng động, hầu như không quá cần thiết đối với người xuất gia
chúng ta. Tuy nhiên, Facebook giúp chúng ta chia sẻ kiến thức
Phật pháp, tài liệu học tập, cập nhật thông tin Phật sự một cách nhanh chóng và
rộng rãi hơn khi mạng xã hội này có công năng phá vỡ mọi rào
cản không gian. Ứng dụng “live stream video” giúp cho các sự kiện Phật giáo, các
bài giảng được gởi lên Facebook trực tuyến càng làm cho Phật pháp tiếp cận dễ
dàng, sâu rộng và kịp thời trong quần chúng. Những pháp thoại và bài viết của
những nhà hoằng pháp lớn như Ngài Dalai Lama, Thiền sư Nhất Hạnh đều nhờ đến
Facebook mà tiếp cận đến đông đảo quần chúng trong xã hội. Đây là cách để những
bài viết Phật pháp, video bài giảng, hình ảnh và thông tin Phật sự nhanh chóng
đến nhiều người ở mọi nơi trên thế giới không hề có sự ngăn ngại
nào.
Người tu học Phật có thể dùng Facebook như một
kênh để chia sẻ Phật pháp đến những Phật tử và giới trí thức hữu duyên nhằm nâng
cao trình độ nhận thức Phật pháp. Nhờ đó, sẽ có nhiều người chọn cách tiếp cập
Phật pháp linh hoạt hơn, không nhất thiết họ phải đến chùa để trực tiếp nghe
giảng Pháp mới tu được. Mạng xã hội, đặc biệt Facebook hỗ trợ để nhân rộng ảnh
hưởng tích cực của đạo pháp đến với nhiều người trong xã hội ở mọi lúc, mọi nơi,
góp phần chuyển tải một “Đạo Phật ứng dụng” đến với con người và xã hội. Những
người này lại tiếp tục mang những thông điệp an vui và hạnh phúc của giáo pháp
đến nhiều người khác nữa bằng chức năng “chia sẻ” (share) của Facebook. Họ là
những bông sen mới nở, mang hương thơm chánh pháp đến những người xung quanh nhờ
vào tuệ giác của đạo Phật khi biết cách nương vào làn gió
“Facebook”.
Tuy
nhiên, ứng dụng này của Facebook cũng có phần bất tiện khi chức năng sắp xếp
bài cũ một cách có hệ thống theo từng nhóm không thể tìm thấy ở đây (vì Facebook
không ưu tiên cho ứng dụng này). Do đó, khi đưa tài liệu, thông tin lên
Facebook, chúng sẽ trôi đi trong mớ hỗn độn giữa những bình luận và một khi cần
tìm lại nội dung cũ của chính mình, thật không dễ dàng chút nào! Với người đọc
thì lại càng khó
hơn!
Hơn
nữa, qua tìm hiểu, người viết nhận ra rằng, người dùng Facebook quan tâm nhiều
hơn ở những tin mới, tin gây shock và những dòng bình luận, nên chỉ thích đọc
những đoạn viết ngắn, chứ ít khi kiên nhẫn đọc chậm rãi để có thể thẩm thấu
những bài viết dài hoàn chỉnh. Như vậy, Facebook chỉ có thể đóng
vai trò hỗ trợ đưa đường dẫn (link), hoặc vài lời giới thiệu
ngắn gọn, còn những tài liệu, bài nghiên cứu và thông tin Phật pháp vẫn phải cần
những trang mạng Phật giáo chuyên biệt để đăng tải và lưu trữ. Có như vậy, những
người làm công tác truyền bá văn hóa Phật giáo mới có thể đáp ứng nhu cầu sử
dụng thường xuyên và lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho những người muốn đọc
lại, nghe lại những tài liệu đã đưa lên trang nhà trước đó. Trên thực tế, quý
hòa thượng, thượng tọa sử dụng Facebook theo cách hỗ trợ cho trang Phật giáo cố
định để những Phật pháp được công chúng đón nhận theo con đường nhanh nhất khi
giới thiệu trên Facebook và sau đó tiếp cận đầy đủ nhất khi theo đường dẫn về
với trang chuyên Phật giáo. Các “Fanpage” giới thiệu những pháp thoại và bài
viết của Ngài Dalai Lama, Thiền sư Nhất Hạnh, TT. Nhật Từ và rất nhiều vị khác
nữa là sự vận dụng rất thành công chức năng hỗ trợ này của
Facebook.
Ngoài
ra, những Tăng Ni trẻ sử dụng Facebook phục vụ cho vấn đề trao đổi tài liệu học
tập, giao lưu chia sẻ, cập nhật thông tin để kịp thời thông báo những thông tin
cần thiết của trường lớp đến với nhau trong nhóm. Như vậy, ở một mức độ nhất
định, Facebook góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho người xuất gia nếu chúng
ta sử dụng đúng cách và hợp lý. Tuy nhiên, thực trạng cho chúng ta thấy một bức
tranh khác đáng lo ngại hơn về việc sử dụng Facebook của người xuất gia, nhất là
ở Tăng Ni
trẻ.
Thực
trạng sử dụng Facebook trong Tăng Ni
trẻ
Như trên đã trình bày, Facebook đã mê hoặc
người dùng đến mức báo động, và người xuất gia cũng không là ngoại lệ. Trào lưu
sử dụng mạng xã hội Facebook đã xâm thực vào đời sống nhà chùa. Nó mời gọi, dụ
dỗ và có sức hút mãnh liệt đối với khá nhiều Tăng Ni, nhất là Tăng Ni trẻ –
những vị đã, đang và sẽ bước chân vào các ngôi trường Phật học và thế học. Chẳng
khác nào tuổi trẻ “ngoài kia”, họ sử dụng công cụ này một cách cuồng nhiệt hơn
bất cứ thứ gì khác nếu không có sự hướng dẫn, khuyên răn thậm chí dùng đến cả
các hình thức kỷ luật của những bậc Thầy Tổ. Trong phạm vi bài viết nhỏ này,
người viết xin nêu lên một số vấn đề trăn trở về việc sử dụng Facebook của Tăng
Ni trẻ như
sau:
Dành quá nhiều thời gian cho
Facebook: Từ khi tác ý viết bài về đề tài này, người
viết dành thời gian vào Facebook mỗi ngày để khảo sát thực
tế việc sử dụng Facebook của một số Tăng Ni trẻ mà người
viết biết được để định hướng cho bài viết có tính ứng dụng cao nhất trong khả
năng có thể. (Dù rằng có một số Tăng Ni trẻ không lấy chính danh tên hay pháp
danh, thay vào đó lấy những tên như “vô thường”, “từ bi”, “cõi ta bà”, “cõi vô
thường”, “hoan hỷ”, “đời là cõi tạm”…). Hơn 20 ngày vào Facebook thường xuyên để
tìm hiểu, người viết nhận thấy một số Tăng Ni trẻ chăm đưa hình, siêng cập nhật
trạng thái, nhiệt tình “like”, hoan hỷ bình luận và trả lời bình luận hầu như
mỗi ngày. Một nghịch lý là người xuất gia nào sử dụng nghiêm túc Facebook cho
mục đích hoằng pháp thì sau khi viết tin, đưa hình với mục đích chia sẻ thông
tin Phật sự, người ấy hầu như không tham gia trả lời bình luận, hoặc nếu có thì
rất ít. Trong khi đó, những tu sĩ trẻ khi đưa những thông tin về cuộc sống đời
thường thì thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh, nhắn tin và bình luận
nhiều lần trong ngày như một đam mê khó bỏ. Điều này mất rất nhiều thời gian,
ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thời khóa tu
tập.
Ảnh hưởng tiêu cực đến sự tu tập của Tăng Ni
trẻ: Những năm đầu bước vào
con đường tu tập, người xuất gia cần dành thời gian, năng lượng, sự chú tâm
thường xuyên cho việc học giới luật, oai nghi, kinh điển và hành trì cũng như
các hoạt động hữu ích khác của người xuất gia để dần thuần thục mình trong nếp
sống của đạo là điều vô cùng cần thiết. Một khi phát tâm xuất gia nguyện sống
đời phạm hạnh, mỗi một Tăng Ni đều hiểu rằng, càng bớt đi duyên trần thì càng dễ
chuyên tâm cho việc học pháp và tu đạo. Nếu không làm như vậy mà tiếp tục những
việc liên hệ quá nhiều đến đời sống xã hội, như lạm dụng Facebook chẳng hạn, sẽ
là một chướng ngại lớn trên con đường tu học vậy. Đáng nói hơn, khi dùng
facebook, tâm còn non nớt của người mới vào đạo dễ dao động, giải đãi, suy nghĩ
dễ bị ảnh hưởng tiêu cực vì chịu sự tác động đa chiều từ việc dùng Facebook mà
tự mình không đủ khả năng định
hướng.
Đăng
tải những hình ảnh mất oai nghi, phản cảm trên Facebook.
Qua tìm hiểu thực tế, người viết thấy phần lớn những vị tu sĩ sử dụng Facebook
một cách nghiêm túc để chia sẻ Phật pháp thường dùng chính tên mình hoặc tên
chùa, tịnh xá đặt tên tài khoản Facebook. Điều này rất đáng trân trọng và Tăng
Ni trẻ nên học hỏi. Trong khi đó, một số Tăng Ni trẻ cứ nghĩ rằng Facebook là ảo
và ẩn mình dưới những tên khác để không ai biết mình. Thế rồi các vị này thường
xuyên đưa lên Facebook những hình ảnh mất oai nghi, phản cảm.
Với một số tu sĩ trẻ, một khi tham gia Facebook mà
không tự đặt ra cho mình một nguyên tắc nhất định, không ý thức hậu quả mình làm
thì hậu quả tai hại khôn lường. Nhu cầu kết nối, chia sẻ và tâm lăng xăng muốn
thể hiện mình, hiếu thắng “câu like” là mục đích để những Tăng Ni trẻ nông nổi
sử dụng các ứng dụng của Facebook một cách tùy tiện, không cân nhắc. Họ đưa lên
Facebook nhiều hình ảnh sinh hoạt đời thường rất khó coi như tụ tập ăn uống,
cụng ly nâng chén, ôm nhau đùa giỡn, tạo dáng không phù hợp với oai nghi người
xuất gia, đưa hình nơi sinh hoạt, phòng ngủ… Là người xuất gia mà cuộc sống
thường nhật của mình, từ việc ăn gì, uống gì, đi đâu, làm gì… ta đều muốn cả thế
giới đều biết, liệu có hay ho gì? Làm vậy liệu ta có khác với người tại gia cư
sĩ? Khi người xuất gia làm điều này, vị ấy tự tạo chướng ngại cho bản thân mình
trên con đường tu tập, đồng thời, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh người xuất
gia trong mắt quần chúng Phật tử và cộng
đồng.
Một
số giải pháp
Đây
là một số cảm nhận của bản thân người viết muốn chia sẻ về những điều thu hoạch
được trong thời gian tìm hiểu và bám sát đề tài này. Để có thể an toàn và tự tại
hơn khi sống chung với “thời đại” internet, thiết nghĩ ai sử dụng Facebook cũng
cần nhìn lại bản thân mình để kịp thời định hướng trong việc tiếp cận với mạng
xã hội hấp dẫn
này:
Cần
hâm nóng chí nguyện xuất gia của mình để
kịp thời định hướng trong cuộc sống tu tập, không phung phí thời gian. Ai cũng
hiểu rằng, mọi giá trị của cuộc sống được làm bằng thời gian; do đó, cân đối
việc sử dụng thời gian sao cho chính đáng để thực hiện tâm nguyện của mình là
điều quan trọng của mỗi cá nhân. Lời đức Phật nhắc nhở chúng ta rằng, người xuất
gia “nên giữ hạnh như tâm người vợ trẻ mới về nhà
chồng” (Tăng chi bộ kinh, Chương IV, phẩm VIII, kinh số 74: Người vợ
trẻ) để luôn siêng năng nhiếp phục tâm vào các pháp thiện, tránh xa các
pháp bất thiện. Facebook không phải là tội đồ mà là công cụ hỗ trợ rất tốt cho
việc tu học và hoằng pháp của chúng ta trong thời đại công nghệ. Cần khách quan
và nghiêm túc đúng mức với bản thân, luôn soi chiếu mỗi hành động của mình với
tâm nguyện ban đầu để không lạc lối và uổng phí thời gian, lại chuốc lấy rắc rối
cho mình. Một khi tự ý thức thời gian của người xuất gia chủ yếu dành cho việc
học đạo, tu đạo và làm sáng đạo đẹp đời, Tăng Ni trẻ tự khép mình trong giới
luật, tôn trọng lời chỉ dạy của các bậc Thầy Tổ và các thế hệ đi trước nhiều
kinh nghiệm trong tu học để luôn tự nhắc không “phản bội” tâm nguyện ban đầu của
mình.
Luôn
ý thức rõ mục đích của mình khi quyết định chia sẻ gì trên
Facebook.
Là người xuất gia, hơn ai hết, chúng ta cần ý thức rất rõ việc mình làm là gì,
làm với mục đích gì, đâu là hậu quả có thể từ việc làm của mình, ảnh hưởng tích
cực, tiêu cực ra sao; khi sử dụng các ứng dụng của Facebook, cũng cần có đáp án
của tất cả các câu hỏi trên. Bình tâm và khách quan nhìn lại, chúng ta thấy
người tu sĩ không nên chia sẻ quá
nhiều những vấn đề nằm ngoài sự tu học, không liên hệ đến mục đích chia sẻ giáo
pháp với người có duyên. Cần làm chủ tâm mình, không đưa lên Facebook những nội
dung chia sẻ không đem đến sự an vui, lợi lạc cho mình, cho người, cho đời, cho
đạo. Cần nhiều hơn ở sự chánh niệm tỉnh
giác của mỗi cá nhân. Kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Am-ba-la
(Trung bộ kinh số 61), đức Phật dạy, trước khi hành động, đang khi
hành động và ngay cả sau khi hành động, chúng ta cần quán xét việc mình làm,
điều ấy có đem lại an lạc hạnh phúc cho mình và cho người trong hiện tại và
tương lai thì hãy làm. Ý thực rõ việc làm thiếu suy nghĩ của mình có thể làm tổn
thương đến đạo pháp, Tăng Ni trẻ khi đang ngao du trong “rừng” Facebook, sẽ biết
giữ hình ảnh người tu sĩ chân chánh, có trách nhiệm với cộng
đồng xã hội, đừng làm một trong vài “con sâu” gây tác hại cho cả “nồi canh” Tăng
đoàn thanh tịnh của
Phật.
Nên cẩn trọng khi đăng ảnh, viết dòng trạng
thái trên Facebook. Việc đăng ảnh cá nhân lên mạng xã hội là vấn
đề khá tế nhị. Do đó, nếu Tăng Ni trẻ không thể tự quyết định được vấn đề này
thì cần tham khảo ý kiến người lớn. Phải biết lựa chọn những bức ảnh đứng đắn để
khi chia sẻ, sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho người xem, khiến họ phát khởi tín tâm,
tăng trưởng tâm lành, có lợi lạc như hình ảnh tu học, việc làm đẹp của chư Tăng
Ni và Phật tử, từ thiện, tượng Phật, cảnh chùa…Tránh đăng những hình ảnh phản
cảm và mang tính chất cá nhân như ăn uống, đi chơi, đùa giỡn… Viết các dòng
trạng thái cũng vậy, cần phải cân nhắc cả ý lẫn lời để chuyển tải nội dung
nghiêm túc và bổ ích đến người học Phật. Tránh đưa lên Facebook những dòng tin
mang đầy tâm trạng phiền não, u sầu, làm cho tâm mình trở nên yếu đuối, lại gây
ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh người xuất gia trong mắt mọi người. Cần ý thức
rằng, một nội dung nào đó khi đưa lên mạng xã hội thì số lượng người tiếp nhận
sẽ nhiều gấp hàng trăm lần so với lượng thính chúng mà mình chia sẻ trực tiếp
trong một hội chúng. Do đó, chỉ nên viết và chia sẻ khi chúng ta đang ở trong
trạng thái bình thản nhất: khi vui quá, đừng viết gì trên Facebook, lúc buồn
quá, cũng không đăng gì lên trên đó. Các nhà tâm lý học cho rằng, một thông tin
tiêu cực, có nội dung không tốt và nhất là những tin giật gân, gây shock có tốc
độ lan truyền nhanh gấp bốn lần một mẩu thông tin tích cực, có nội dung tốt. Ta
không thể nào thu hồi nội dung đã đưa lên mạng xã hội Facebook, vì ta có gỡ
xuống ngay sau đó, thì đã có quá nhiều người nhanh tay chia sẻ đến nhiều người
và lan truyền theo cấp số nhân mất rồi! Vì vậy, những hình ảnh riêng tư hoặc vui
chơi thì tốt nhất là nên để ở trong máy tính cá nhân, coi như một góc không gian
riêng cho mình
vậy.
Những bậc Thầy cần giám sát và quản lý chặt
chẽ đệ tử hơn. Những người có trách nhiệm giáo dưỡng hàng
Tăng Ni trẻ cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với các thế hệ đệ tử để
kịp thời định hướng, khuyên nhắc, quản lý và giám sát việc sử dụng các trang
mạng xã hội nói chung, Facebook là một điển hình cụ thể. Muốn vậy, những bậc
thầy cũng nên biết về Facebook và nếu có khả năng sử dụng các ứng dụng này để
phục vụ cho việc hoằng pháp thì càng tốt. Có như vậy, người Thầy ấy mới tạo niềm
tin và nêu gương sống động cho hàng đệ tử rằng: Facebook là công cụ hỗ trợ đắc
lực và hiệu quả cho việc hoằng pháp, chứ không phải là cái gì ghê gớm làm hư
hỏng con người. Hư hay nên là do nơi người sử dụng. Nhiều chùa/tịnh xá đến nay
vẫn không có một địa chỉ email để có thể trao đổi thông tin Phật sự cần thiết là
một cực đoan. Trái lại, nhiều nơi lại cho phép Tăng Ni chúng dùng mạng tùy tiện,
không kiểm soát cũng là một cực đoan khác. Cần giới hạn thời gian sử dụng mạng
internet vừa phải, nhất là Facebook ở Tăng Ni trẻ, ngay cả sử dụng tài khoản
Facebook chung của chùa/ tịnh xá là mực trung cần thiết
vậy.
Với Tăng Ni mới vào đạo, các
bậc Thầy nên hạn chế tối đa hoặc tuyệt đối không cho dùng tài khoản Facebook cá
nhân. Đức Phật dạy rằng đối với người trẻ tuổi vì lòng tin chân chánh mà
xuất gia sống trong chánh pháp, nhưng tâm còn sự chi phối của dục này hay dục
khác, chưa có niềm tin đối với thiện pháp, chưa thấy rõ thiện pháp để tinh tấn,
nên còn phóng dật thì những bậc thầy cần phải bảo hộ người ấy như chăm một em bé
nhỏ chưa đủ khả năng tự vệ, cho đến khi người ấy có thể tự bảo vệ mình, tự đặt
mình vào trong đời sống có niềm tin, tinh tấn trong thiện pháp (Tăng chi
bộ kinh, chương V, phẩm I, kinh số 7: Dục vọng). Trên tinh thần này,
các bậc Thầy cần mở rộng lòng thương thật sự với Tăng Ni trẻ, mới có thể giúp
hàng hậu học có đủ bản lĩnh và sáng suốt để miễn nhiễm với sức hấp dẫn khó cưỡng
của Facebook. Sự cảm thông và chia sẻ của Thầy Tổ về những khó khăn đặc trưng
của thời đại sẽ có sức cảm hóa Tăng Ni trẻ để mỗi người tự đưa mình vào quỹ đạo
sống đời xuất gia phạm
hạnh.
Với những Tăng Ni trẻ có thiện chí tu tập
nhưng đạo chưa thấm và đời chưa phai, việc sử dụng mạng nói chung và Facebook
nói riêng, cần phải có sự giám sát và can thiệp hướng dẫn của các bậc Thầy. Với
lòng thương tưởng thế hệ hậu học, rất mong các bậc Thầy có những quy định nghiêm
túc và đúng mực. Cần kiểm soát đệ tử khít khao hơn, giờ nào việc nấy đúng theo
thời khóa tu tập, đừng để chư Tăng Ni trẻ tuổi quá dư thời gian để rồi lâm vào
cảnh “rảnh rỗi sanh nông nổi”. Sự hỗ trợ này giúp cho thế hệ Tăng Ni trẻ kế thừa
mạng mạch Phật pháp am hiểu chức năng, kỹ năng và công năng cũng như những nguy
hiểm tiềm ẩn của các mạng xã hội, cụ thể là Facebook, để sử dụng các ứng dụng và
những tiện ích của nó cho sự nghiệp hoằng pháp mà không bị vướng
mắc.
Trong 114 điều
Luật của đức Tổ sư, điều thứ 77 “Cấm không đặng xem kinh sách
ngoài khác của Giáo hội, giống như cư sĩ tại gia, nếu chưa phải Tỳ-kheo già kinh
nghiệm, lâu năm tu học.” Trên cơ sở ý pháp này, một gợi ý nhỏ của người viết
trong bài viết này là những vị còn non trẻ chỉ nên sử dụng Facebook của chùa/
tịnh xá, thực hiện các ứng dụng cần thiết cho việc chia sẻ giáo pháp dưới sự chỉ
dạy và giám sát của những bậc Thầy. Tuyệt đối không mở tài khoản Facebook cá
nhân khi tâm ta chưa vững chãi, thời gian cần tập trung nhiều cho việc học giới,
tu tập định và công quả để bồi phước trên đường tu học. Đức Phật dạy, có những
phiền não do tránh né mà được đoạn trừ (Kinh tất cả lậu hoặc, Trung bộ
kinh số 2). Trên tinh thần đó, việc giữ mình không để bị cuốn vào vòng
xoáy của Facebook để đời sống tu học có giá trị và ý nghĩa hơn là điều vô cùng
cần thiết. Hiện nay, vẫn còn nhiều tịnh xá không cho người mới xuất gia sử dụng
điện thoại, hoặc chỉ cho phép sử dụng hạn chế trong khoảng thời gian nhất định
trong ngày, nhất là không cho sử dụng điện thoại cá nhân vào ban đêm. Nếu làm
được điều này, việc hạn chế Tăng Ni trẻ dùng Facebook và không sử dụng tài khoản
Facebook cá nhân không phải là điều quá xa vời không thể thực hiện
được.
Thay
lời kết
Đạo
Phật đi vào cuộc đời để giúp người sống an vui, hạnh phúc với nguồn tuệ giác từ
lời Phật dạy. Do đó, trong thời đại ngày nay, ở thời đại mà nhà nhà đều dùng
internet, người người đều sử dụng các ứng dụng mạng thì người xuất gia cũng cần
phải hiểu biết trong lãnh vực này để việc hoằng pháp trở nên hiệu quả và thực
tế hơn. Nếu chúng ta sử dụng một cách có ý thức, ở mức độ vừa phải, phục vụ cho
mục đích chia sẻ giáo pháp thì Facebook là một ứng dụng tuyệt vời. Thế nhưng,
cái gì “nhiều quá” sẽ đi xa mức trung đạo và dễ dàng lạc lối. Một khi chúng ta
lạm dụng việc sử dụng Facebook và không làm chủ được mình, thì phần công dụng
của Facebook hầu như ta không nhận được nhiều, mà tác hại của mạng xã hội này
thì không phải
nhỏ!
Cuộc sống của một đời người vốn có nhiều giới
hạn, trong đó quỹ thời gian được sống và sức khỏe là các yếu tố vô cùng quan
trọng cần phải chắt chiu! Đức Phật từng tuyên bố, những gì đức Phật biết là lá
trong rừng, những gì Ngài dạy cho chúng đệ tử là lá trong tay. Ngài cũng nói rõ
những gì Ngài nói là những điều liên hệ đến mục đích, là căn bản cho phạm hạnh,
đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn
(Tương ưng bộ kinh, chương XII, phẩm IV, kinh số 31.1: Simsapa).
Chúng ta cũng có thể xem những gì trên Facebook là lá trong rừng, chúng ta cần
phải tỉnh táo và khôn ngoan để nắm trong tay những chiếc lá thật sự cần thiết
cho việc tu học và chia sẻ giáo pháp mà thôi. Đừng sa đà vào Facebook mà để thời
gian trôi qua luống
uổng.
Facebook
thật tuyệt vời! Tuy nhiên, Facebook cũng thật nguy
hiểm!
Chúng
ta nên sử dụng nó như một công cụ hỗ trợ cuộc
sống, đừng để nó trở thành một phần cuộc sống của mình!
Hãy sử dụng mạng xã hội Facebook thật mà ảo, ảo mà thật này một cách hợp lý và
đúng mục đích để phát huy các ứng dụng ưu việt của mạng xã hội này góp phần làm
cho đạo Phật trong thời đại ngày nay trở thành một tôn giáo tươi trẻ, năng động
và đầy sức sống!
0 nhận xét: